Cũng như bao vùng miền khác trên đất nước Việt Nam, mâm cơm của người Hà Nội cũng sẽ có những món chính truyền thống như cơm trắng, rau, món mặn. Qua bao đời, những món ăn đã có phần đa dạng hơn, hình thức cũng thay đổi nhiều. Tuy nhiên, mâm cơm của người Hà Nội vẫn có những điều đặc biệt mà không nơi nào có được.
Mâm cơm của người Hà Nội xưa
Nhắc đến mâm cơm của người Hà Nội nói riêng, người Việt nói chung thì không thể thiếu món ăn chính nhất, đó là cơm trắng. Và cũng bởi cơm được nấu từ gạo nên khi nhắc đến điều này, câu cửa miệng mà mọi người hay nghe chính là “gạo, muối” hay “gạo, mắm”. Đây cũng chính là lý do vì sao mà mắm và muối cũng được tập kết bán tại khu vực gần bờ sông như gạo, hình thành phố Hàng Mắm và phố Hàng Muối cách phố Chợ Gạo không xa.
|
Chợ Gạo khi xưa. Ảnh: tư liệu. |
Lịch sử tên gọi các con phố của Hà Nội gắn liền với các món ăn trên mâm cơm
Nhắc tới phố Hàng Mắm, ta cũng không quên nhắc tới phố Hàng Trứng xưa. Đấy chính là một đoạn của phố Hàng Mắm, nằm từ phố Trần Quang Khải đến Nguyễn Hữu Huân, tập trung nhiều cửa hàng buôn bán trứng. Trứng ở đây được đóng trong các sọt lớn, lót rơm và chở bằng thuyền từ Phát Diệm, Ninh Bình lên.
Ngoài muối và mắm, các loại thực phẩm phụ cũng thường được bán ở các phố gần bờ sông, như phố Hàng Đậu bán các loại đậu hạt, phố Hàng Khoai bán khoai ở hai bên chân cầu Long Biên.
Mâm cơm bình dân của gia đình Việt thường có món cá, ta cũng thấy có phố Hàng Cá nằm ở khu vực từ phố Hàng Đường kéo dài đến phố Thuốc Bắc. Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao phố Hàng Cá lại không nằm cạnh bờ sông? Thực ra ngày xưa, phố Hàng Cá chính là một đoạn sông Tô Lịch, hình thành chợ bán cá rất lớn nên có tên là trại Tiên Ngư (có nghĩa là cá tươi). Sau này đoạn sông này bị lấp, mới trở thành đường phố như hiện nay.
Hàng Trứng, Hàng Muối, Hàng Mắm đã được đặt tên, đương nhiên Hà Nội cũng còn một con phố nói vè thức ăn nữa, đó là phố Hàng Thịt. Lịch sử từng ghi nhận có một con ngõ có tên là Hàng Thịt ở đầu phố Hàng Buồm. Còn để giết mổ lợn với quy mô lớn, thì có một ngõ mang tên Lò Lợn ở khu vực ngoại thành phía Nam, nằm trên phố Bạch Mai hiện nay.
Mâm cơm của người Việt có gì khác biệt?
Một số nhà nghiên cứu cho rằng: Đó là cái mâm. Các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thường bày đồ ăn thẳng lên bàn, riêng nước ta để đồ ăn trong mâm gỗ, nhà quyền quý thì có mâm đồng, mâm bạc. Các loại mâm, khay bằng gỗ tiện được bán ở một phố riêng: Phố Hàng Khay nằm ngay cạnh hồ Gươm. Trong khi đó, muốn mua mâm đồng, cứ việc đến phố Hàng Đồng.
Trên mâm có bát, đĩa. Bát ăn được bán tập trung ở phố Bát Sứ, còn các loại bát đựng thức ăn thì đã có phố Bát Đàn cũng ngay bên cạnh.
Có bát ắt phải có đũa. Hà Nội xưa cũng có một khu phố chuyên bán đũa, chính là ngõ Hàng Đũa mà nay là phố Ngô Sĩ Liên, ngay giữa khu vực Văn Miếu và ga Hà Nội.
Về nơi bán các loại đồ đựng trong gia đình thì nhiều: Nồi đồng bán ở phố Hàng Đồng, còn chum, chĩnh, vại, bình, lọ… được bày bán bạt ngàn ở phố Hàng Chĩnh.
Nếu nhà nào không muốn ăn cơm, có thể mua bún ở phố Hàng Bún hay các loại cháo nấu với thịt, cá ở phố Hàng Cháo. Muốn làm các loại bánh, thì đến phố Hàng Bột mua bột. Sang trọng hơn, có thể thưởng thức món chả cá đặc sản ở con phố xưa có tên gọi Hàng Sơn, mà sau này nhờ hàng chả cá Lã Vọng nổi tiếng, đã đổi tên thành phố Chả Cá.
Đồ tráng miệng
Hà Nội là nơi mà mọi sản phẩn của các vùng lân cận đổ về. Có thể nói, hầu hết mọi loại quả theo mùa Hà Nội đều có. Bởi vậy, những món tráng miệng trên mâm cơm của người Hà Nội khá phong phú.
Bên cạnh các loại trái cây, Hà Nội còn có rất nhiều loại đồ ăn vặt mà cho tới mãi bây giờ, người Hà Nội cũng như du khách thập phương yêu thích rất nhiều. Có thể kể đến các ví dụ tiêu biểu như phố Hàng Đường bán các đủ loại bánh kẹo ô mai. Thuốc lào phục vụ người dân hút thuốc được bán ở phố Hàng Gai, Hàng Ngang. Trong khi đó, để phục vụ nhu cầu ăn trầu, ngày xưa có cả một phố Hàng Cau ở đầu phố Hàng Bè hiện nay. Để mua vôi ăn trầu, thì cũng có thể lên phố Hàng Than, ở đó có lò vôi.
Ngày nay khi đến với Hà Nội, du khách đừng quên bỏ qua những cung đường thuộc phố cổ để khám phá, tìm về một miền ký ức lịch sử trong bữa cơm của người dân nơi đây. Và để thuận tiện cho việc nghỉ dưỡng, tham quan, Khách sạn Đức Trọng – khách sạn gần hồ Gươm lý tưởng sẽ luôn là địa chỉ đồng hành cùng các bạn.
Danh sách đại sứ Quán tại Hà nội Việt nam Update 2020
Xem Chi Tiết